5 điều Phật dạy để làm giầu bền vững

Có những con người từng có tiền bạc, công danh tưởng chừng không ai sánh bằng. Nhưng điều quan trọng hơn cả là sự giàu có, quyền uy đó liệu có tồn tại mãi trong sự vô thường của mọi vật vốn do duyên sinh hay không?

Có thể hôm nay bạn giàu nhưng ngày mai bạn lại nghèo… 5 nguyên tắc mà Phật dạy dưới đây sẽ giúp mang lại cho bạn sự giàu có:

1. Chọn nghề mà làm giàu theo 5 điều Đức Phật dạy

Không buôn bán vũ khí

Không buôn sắc gái

Không buôn bán các chất gây say

Không buôn bán thịt

Không buôn bán thuốc độc

2. Giữ chữ tín

Xưa nay nhiều người nhờ chữ “tín”, nhờ đạo đức trong kinh doanh mà phát đạt, đem lại đời sống tốt đẹp không những cho bản thân và gia đình mình mà còn góp phần lớn công sức thúc đẩy xã hội phát triển.

Bên cạnh đó, không ít người lắm tiền nhiều của do làm ăn phi pháp, buôn gian bán lận, lừa gạt người khác với nhiều thủ đoạn khác nhau: hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng… mà hệ quả là kìm hãm sự phát triển về mọi mặt của xã hội trong đó có sự băng hoại về đạo đức.

Thực tế cho thấy sự “thất tín” chưa bao giờ bền vững với thời gian. Bởi gieo nhân xấu sẽ tạo nghiệp ác. Do đó, Người Phật tử sau khi chọn được nghề nghiệp phù hợp còn phải luôn tâm niệm dấn thân làm giàu bằng con đường chân chính để tạo nghiệp thiện; mọi tài sản có được phải trong sạch, chính đáng bằng mồ hôi nước mắt và sự nỗ lực tinh tấn của trí tuệ.

Có như vậy mới bản thân chúng ta, người thân của chúng ta mới an lạc và tài sản có được mới bền lâu.

3. Học hỏi không ngừng để có trí tuệ sáng suốt

Vai trò của trí tuệ, tư duy trong tiến trình phát triển của xã hội nói chung và trong việc làm ăn kinh doanh làm giàu của mỗi con người nói riêng. Do đó, để làm giàu, người

Phật tử không chỉ cần có sự hiểu biết thấu đáo, toàn diện về ngành nghề, lĩnh vực mà mình đã lựa chọn mà còn phải luôn học hỏi, trau dồi kiến thức để có trí tuệ ưu việt với cái nhìn bao quát xa rộng, dự đoán các khả năng xấu có thể xảy ra mà kịp thời xử lý, ứng phó; làm hạn chế tối đa thiệt hại, bảo vệ tài sản an toàn tương đối trước các rủi ro vốn có trong chiến trường kinh tế.

4. Chăm chỉ

Có được một nghề nghiệp phù hợp mà nuôi tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ”, nay làm chỗ này mai lại chạy chỗ khác; hoặc có ước mơ làm giàu nhưng không kiên trì bất chấp khó khăn mà nóng vội muốn làm giàu mau chóng sẽ phạm sai lầm là “đốt cháy giai đoạn” dẫn đến công việc đổ bể hoặc thậm chí “mất cả chì lẫn chài”.

Như vậy, chỉ uổng phí thời gian và công sức mà cuối cùng không thoát ra được vòng luẩn quẩn. Vì vậy, người con Phật cần phải có sự siêng năng, kiên trì trên cơ sở mục tiêu hoạch định lâu dài, gặp khó khăn thì kiên trì tháo gỡ từng gút mắt để sao cho việc làm giàu xuất phát từ gốc rễ và cơ nghiệp của chúng ta có thể vững chãi trước mọi mối nguy nan.

5. Tiết kiệm

Có người lương tháng vài chục triệu đồng hoặc có người kinh doanh với khoản lợi kếch xù chỉ trong một thời gian ngắn nhưng nếu tiêu xài hoang phí, không xác định rõ thứ gì nên mua, việc gì nên chi để sử dụng đồng tiền một cách hợp lý thì sẽ không có tích lũy.

Ngược lại, có người lương thấp hơn hoặc làm ăn buôn bán nhỏ lẻ nhưng nhờ tiết kiệm, dùng đồng tiền một cách khôn ngoan, cuối cùng “tích tiểu thành đại”, “góp gió thành bão” mà sự giàu có vốn là quá trình tích lũy thường xuyên, liên tục.

Bởi vậy, muốn được giàu có ta phải siêng năng làm lụng và tiết kiệm, sử dụng khéo léo, khôn ngoan đồng tiền để nó trở thành công cụ tiếp tục kiếm ra tiền mà không rơi vào sai lầm mà con người thường hay mắc phải là tay phải làm ra tay trái vãi đi.

Ngoài ra, có 7 thứ bạn cần phải từ bỏ nếu muốn giàu có đó là:

– Nghĩ nhỏ

– Giờ giấc cao su

– Mức lương ổn định

– Giải trí

– Những mối quan hệ độc hại

– Tiếc nuối quá khứ

– Nỗi sợ

ATK st

About VƯƠN KHƠI ADMIN